Ủy quyền 2 nơi thực hiện như thế nào?
Theo quy định của Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015:“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Như vậy, bản chất của hợp đồng ủy quyền là một giao dịch dân sự, theo đó bên được ủy quyền sẽ thay mặt bên ủy quyền để thực hiện các công việc theo phạm vi ủy quyền.
Về nguyên tắc khi công chứng hợp đồng/giao dịch, các bên tham gia (mang theo giấy tờ nhân thân và các giấy tờ khác liên quan) phải cùng nhau đến, lập và ký tên vào hợp đồng, giao dịch tại văn phòng công chứng để Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch (khoản 1 điều 2 Luật công chứng 2014), năng lực hành vi dân sự cũng như sự tự nguyện của các bên khi lập hợp đồng, giao dịch.
Tuy nhiên, đối với hợp đồng ủy quyền bên ủy quyền và bên được ủy quyền không bắt buộc phải cùng nhau đến tổ chức hành nghề công chứng mà vẫn có thể ủy quyền và nhận ủy quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 Luật công chứng: “Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.”
Đối với trường hợp người ủy quyền hoặc người nhận ủy quyền là công dân Việt Nam nhưng không cư trú ở Việt Nam, Khoản 1 Điều 78 Luật công chứng 2014 đã mở rộng thêm bằng quy định Việc công chứng của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài:
“1. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.”
Quy định tại khoản 2 Điều 55 và Điều 78 của Luật công chứng 2014 tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi không ở cùng một địa phương có thể ủy quyền công việc, tiết kiệm được thời gian và chi phí di chuyển. Khi đó, Bên ủy quyền có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi cư trú của họ công chứng hợp đồng ủy quyền. Sau đó, bên ủy quyền chuyển hợp đồng đã được công chứng cho bên kia để họ đến tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền.
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ văn phòng công chứng Đại Việt (nay là Văn phòng công chứng Trần Hằng)/ Công ty TNHH Đại Việt để được giải đáp cụ thể.
Địa chỉ: Số 8 và 9, B15, tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh, phố Vạn Phúc, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam
Email: info@luatdaiviet.vn
Tel: (04)37478888 Fax: (04)37473966
Hot-line: 0933.668.166