Có cần phải công chứng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần không?
Trong quá trình chuyển nhượng cổ phần, một trong những thắc mắc phổ biến là liệu việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần có cần thiết hay không. Câu trả lời sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của Văn Phòng Công Chứng Trần Hằng!
![Có cần phải công chứng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần không?](http://vanphongcongchung.net/wp-content/uploads/2024/01/co-can-phai-cong-chung-hop-dong-chuyen-nhuong-co-phan-khong.png)
Có cần phải công chứng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần không?
Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần là gì?
Điều 385 Bộ Luật Dân Sự 2015 định nghĩa khái niệm hợp đồng như sau:
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Chuyển nhượng cổ phần được quy định tại Điều 127 Luật Doanh Nghiệp 2020:
1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
2. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Qua các quy định trên, có thể hiểu hợp đồng chuyển nhượng cổ phần là một giao dịch dân sự dưới dạng hợp đồng, đối tượng của giao dịch này là cổ phần.
Có cần phải công chứng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần không?
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Theo khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc chuyển nhượng cổ phần như sau:
Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Khoản 2, 3 Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định:
2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, không có quy định bắt buộc nào về việc hợp đồng chuyển nhượng cổ phần có cần công chứng. Do đó, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần KHÔNG BẮT BUỘC phải công chứng, chứng thực mà chỉ cần có chữ ký của các bên. Đồng thời, do pháp luật không cấm nên cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể công chứng Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần để đảm bảo lợi ích về mặt pháp lý và tin cậy. Quyết định này thường phụ thuộc vào đối tác cụ thể và ngữ cảnh của giao dịch. Đối với những giao dịch quan trọng và lớn, việc này thường được khuyến khích để bảo vệ quyền lợi của cả hai bên.
XEM THÊM
Công chứng hợp đồng góp vốn bằng nhà ở như thế nào?
Có bắt buộc công chứng hợp đồng góp vốn bằng tiền hay không?
Chuyển nhượng cổ phần là một quá trình quan trọng trong kinh doanh, đặc biệt là khi các doanh nghiệp mở cửa cho nhà đầu tư hoặc muốn chuyển quyền sở hữu. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với Văn phòng công chứng Trần Hằng. Đội ngũ luật sư chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm sẵn sàng hỗ trợ bạn mọi lúc.